Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Truyện ngắn HOA SIM TÍM DƯỚI CHÂN ĐÈO CẢ của mình đăng trên tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình số 22. Mời các bạn đọc vui.



 21-06-2015 | Truyện ngắn

HOA SIM TÍM DƯỚI CHÂN ĐÈO CẢ

Đã mười lăm năm trôi qua nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc của mối tình đầu khi trở về nơi kỷ niệm nhuộm tím màu sim… – Truyện ngắn của Trường Linh Giang

20150619_truyenngan_thum
Mây đen phủ kín ngọn Thạch Bi Sơn, gió bắt đầu giật mạnh. Qua ngã ba Vũng Rô, tôi giảm ga cho chiếc Vespa chậm rãi đổ đèo xuôi về Hảo Sơn. Lòng tôi nao nao trước cảnh cũ khi xe qua hết khúc cua uốn theo con suối nhỏ, nơi có túp lều đầy ắp kỷ niệm. Thời gian thoáng đã hơn mười lăm năm, nhưng trong tôi không thể nguôi ngoai hình bóng người con gái cùng sắc hoa sim tím dưới chân đèo Cả. Người con gái ấy đã cho tôi mối tình đầu ngắn ngủi nhưng nỗi buồn thì kéo dài mãi.
Ngày ấy cha chết sớm, vì cơm áo tôi phải xa mẹ, theo anh họ làm nghề chẻ đá và vác đá thuê dưới chân núi Thạch Bi Sơn. Nàng xuất thân từ một gia đình giàu có, chuyên thu mua đá chẻ cung cấp cho ông Năm Kiến chủ công ty Kiến Gia hoạt động ngành xây dựng tại phố Tuy Hòa. Thợ chẻ đá thường gọi cha mẹ nàng là ông bà Tám. Ông bà Tám có lòng nhân ái, mỗi khi chúng tôi cần tiền vì đau bệnh hoặc gửi về gia đình đều được ông bà giúp đỡ. Tôi quen nàng vào một chiều khi chiếc Dream của nàng vừa qua túp lều tranh nơi anh em tôi trú ngụ thì chết máy. Lúc này anh họ tôi đã về Nha Trang thăm gia đình, trong lều chỉ có mỗi mình tôi.
Tôi giúp nàng dắt xe vào lều. Phủi bụi chiếc chõng tre mời nàng ngồi rồi cặm cụi lau chùi bugi, hì hục mãi nhưng máy xe vẫn không nổ. Tôi đành bất lực:
– Cô gọi điện để ông Sáu cho người đến đưa về. Xe cứ để lại mai hẵng hay.
Nàng lúng túng:
– Em không mang điện thoại, gọi nhờ anh vậy.
– Tôi không có điện thoại.
Nàng nhìn nền trời xám thẫm qua cửa phên ra vẻ ái ngại. Tôi lấy vội tấm vải ni-lông dùng đi mưa còn tương đối tốt của người anh họ mời nàng, còn tôi khoác chiếc áo đi mưa đã có nhiều chỗ rách, hối nàng đến cửa hiệu sửa xe dưới chân đèo.
Màu trời đã nhuộm đen, mưa gió mỗi lúc mỗi mạnh. Nơi sửa xe gần ga Hảo Sơn đã đóng cửa nghỉ, đường về nhà nàng phải còn trên mười cây số. Tôi lụi cụi dắt xe đưa nàng về trong đêm mưa mà lòng phấn chấn lạ thường.
Từ dạo ấy, thỉnh thoảng nàng ghé thăm tôi. Dần dà tình yêu như cánh sim non hé nụ, nảy nở trong lòng. Làm sao quên được vào một chiều trăng lên sớm, tôi hái cánh hoa sim giắt lên tóc nàng, mắt nàng long lanh nhìn tôi không nói. Mạnh dạn tôi cầm tay nàng, nàng để yên trong lòng bàn tay tôi rất lâu. Tôi cầm tay nàng mạnh hơn và khẽ hôn thật nhẹ.
hoavan_truyenTuy có lòng nhân ái, nhưng ông bà Tám không chấp nhận chúng tôi yêu nhau. Lý do là tôi nghèo. Tôi nghèo nên ông bà Tám cấm cản, cho là tôi không xứng với nàng. Tôi biết tôi yêu nàng nhiều và nàng cũng thế. Có lần nàng nói sẽ trốn cha mẹ theo tôi, nhưng giải pháp đó không thể thực hiện vì tôi có gì để đảm bảo cuộc sống cho nàng.
Tôi buồn. Người anh họ biết chuyện cũng buồn theo. Từ khi ông bà Tám cấm cản, túp lều càng thêm phần cô quạnh. Lần cuối gặp nhau, nàng nói trong nước mắt là sẽ chết, không bao giờ chịu làm dâu nhà ông Năm Kiến. Vài ngày sau tôi lâm bệnh, không biết bệnh gì mà ăn không được, mỗi ngày cố lắm chỉ chừng nửa bát cháo. Người anh họ xin ứng tiền ông bà Tám để đưa tôi về lại nhà.
Mẹ tôi, người mẹ già một đời chăm chút nuôi tôi bằng nghề dệt chiếu thuê bên bờ sông Cái Nha Trang, đột ngột qua đời. Chôn cất mẹ xong, bệnh tình tôi bỗng thuyên giảm. Hàng ngày tôi thả lưới buông câu trên dòng sông Cái tạm sống qua ngày. Một năm sau người anh họ về thăm nhà, cho tôi biết nàng đã làm dâu ông Năm Kiến và chồng nàng là một kiến trúc sư có văn phòng giao dịch tại Tuy Hòa. Nghe nàng lấy chồng, lòng tôi bỗng ngu ngơ vui buồn lẫn lộn. Vui vì người tôi hằng yêu hằng nhớ đã có bến có bờ, còn buồn ngập cả dòng sông.
Thời gian sau nhờ dành dụm được ít vốn, người anh họ rủ tôi vào Phan Thiết thuê mặt bằng mở xưởng vẽ quảng cáo và thiết kế mỹ thuật. Công việc xưởng vẽ lúc đầu lắm gian nan chật vật, bữa ăn chủ yếu là mì gói. Nhờ cần mẫn và có tâm hồn nghệ thuật, nên xưởng của anh em tôi mỗi ngày một phát triển. Dù cuộc sống đã tạm đàng hoàng, nhưng tôi vẫn không nguôi nhớ nàng.
Hôm nay tôi về thăm cảnh cũ. Màu hoa sim tím xưa vẫn in đậm với bao hình ảnh, nhất là nụ cười và ánh mắt nàng. Tôi cho xe chậm lại khi sắp đến khoảng đất trống của túp lều năm xưa, nơi ngọt ngào kỷ niệm của tôi và nàng. Cảnh trí hiện ra thật bất ngờ vì khoảng đất trống giờ là khu vườn rộng, bên trong một ngôi biệt thự màu hồng lộng lẫy trên thảm cỏ xanh.
Mưa bắt đầu giăng lưới dưới chân đèo, tôi dừng xe bên quán nước cạnh khu vườn có ngôi biệt thự. Tôi gọi ly cà-phê, hỏi thăm chị chủ quán mới biết ngôi biệt thự là của ông bà Tám xây cho con gái. Đặt ly cà-phê trước mặt khách, chị chủ quán nói:
– Anh biết cô Lan, con gái ông bà Tám?
– Mười lăm năm trước, tôi làm nghề chẻ đá ở đây.
– Cô Lan tuy giàu nhưng không hạnh phúc. Chồng làm việc ở nước ngoài rồi ở luôn bên đó không về. Cô Lan có đứa con gái, tính đến nay cũng chừng mười bốn, mười lăm tuổi, là con của người khác.
– Con của người khác? Sao chị biết?
– Quanh đây ai mà không biết cô Lan có một người tình trước khi lấy chồng.
Tôi chơ vơ nhớ lại mối tình đầu của tôi, mối tình trong trắng trôi qua thật nhẹ nhàng tinh khiết thì làm sao nàng lại cócon? Không lẽ trong thời gian xa nhau, nàng đã phải lòng người khác?
Chị chủ quán nhìn tôi, tiếp lời:
– Cô Lan là người hiền thục, nhưng tình duyên không trọn vẹn. Nghe rằng trước khi lấy chồng, cô đã cấn thai với một chàng trai làm nghề chẻ đá. Ngày ấy, chẻ đá ở đây anh có biết chuyện này không?
Tôi im lặng, chị chủ quán tiếp:
– Cha mẹ chồng ra mặt không nhận người con của cô Lan là cháu nội.
Một thoáng ngậm ngùi, chị chủ quán ngập ngừng:
– Ngày cô Lan cùng đứa con bị tai nạn giao thông qua đời, ông bà Tám báo tin sang bên ấy, nhưng anh chồng không về.
Tôi bàng hoàng nhìn chị chủ quán:
– Hai mẹ con Lan chết rồi sao?
– Chết trên đường vào Nha Trang.
Tôi hỏi nhanh:                  
– Mộ phần hiện nơi đâu?
– Phía sau ngôi biệt thự, cạnh con suối.
Trời chiều đã tạnh mưa, tôi tìm đến mộ nàng. Hai ngôi mộ xây cùng kiểu nằm song đôi trên đồi, bên dưới là con suối nhỏ chìm trong màu sim tím. Lặng người trước mộ nàng, lòng tôi quay quắt nhớ thương. Tôi mơ hồ nhìn mộ con nàng nằm cạnh. Lẽ nào khi về nhà chồng nàng đã có con với người khác?
hoavan_truyenTôi được ông bà Tám tiếp tại phòng khách. Ông Tám đưa tay vuốt mái tóc đã bạc trắng, giọng trầm buồn:
– Trước đây do tôi làm ăn thua lỗ, có vay của ông bà Năm Kiến một khoản tiền lớn. Con trai ông bà Năm phải lòng con gái tôi, nên gia đình bên ấy gây áp lực. Vì hoàn cảnh mà vợ chồng tôi đã làm khổ con gái của mình. Quan trọng là con tôi…
Bà Tám tiếp lời:
– Ngoài vợ chồng tôi ra, trước mọi người, Lan vẫn nói Huệ là con của anh.
Ông Tám trầm ngâm nhìn tôi thật lâu:
– Lan nói có thai với anh. Không thể bắt con mình phá thai, nên tôi đưa nó lên Đà Lạt chờ ngày sinh nở, sau đó nhờ người khác nuôi cháu, để Lan về lấy chồng. Không ngờ vợ và con tôi tính nước cờ rất lạ đời. Lên Đà Lạt, vài tháng sau vợ tôi vào bệnh viện tìm xin một cháu gái bị bỏ rơi. Vợ tôi làm thế là để gia đình Năm Kiến thấy Lan có con hoang mà thôi việc hỏi cưới, nhưng con trai họ vẫn khăng khăng đòi cưới. Thấy người ta thật sự yêu thương con mình, tôi cũng lấy làm mừng, nhưng về sau tình vợ chồng nhợt nhạt, chồng Lan ra nước ngoài, lấy cô gái Pháp làm vợ, ở bên đó không về.
Tôi nói nhanh:
– Thế còn danh dự của Lan?
– Việc ấy chồng Lan biết rõ, nhưng nó không thay đổi, vẫn giữ ý định ban đầu.
Ông Tám nhìn tôi hồi lâu rồi tiếp:
– Lan vẫn nhớ anh, nài nỉ vợ chồng tôi mua lô đất này vì là nơi kỷ niệm của nó.
Mấy năm sau Lan và cháu Huệ vào NhaTrang hai lần tìm anh nhưng không gặp, lần thứ ba thì tai nạn xảy ra.
Trước lúc chia tay, tôi xin ông bà Tám di ảnh nàng và Huệ. Tạm biệt em! Tạm biệt người vợ trong trắng chưa lần cưới. Tạm biệt con, người con không phải là máu huyết của tôi và em nhưng dạt dào thương yêu. Ngày mai trên đường mưu sinh, dù thành công hay thất bại, tôi vẫn luôn ấp ủ hình bóng em và màu sim tím yêu thương nơi chân núi Thạch Bi Sơn.
Tuyện ngắn Hoa sim tím Mục Truyện ngắn/Tiếp Thị Gia Đình

BÌNH LUẬN